Thông cáo báo chí

Các dự án năng lượng sạch SolarBK trên báo Công Thương

Đăng ngày 25/04/2014

Nước ta hiện có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có những địa danh rất xa với đất liền. Để hồi sinh cuộc sống ở những hòn đảo này, một cuộc cách mạng về cung cấp năng lượng cho các đảo xa đã được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp thực thi trong nhiều năm qua.

CôngThương – Theo Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), mỗi năm nước ta có khoảng 2.000 – 2.500 giờ nắng với mức chiếu nắng trung bình hơn 150Kcal/cm2, tương đương tiềm năng của khoảng 43,9 triệu tấn dầu quy đổi/năm. Năng lượng gió cũng rất lớn, có thể đạt công suất phát điện khoảng 800 – 1.400 kWh/m2/năm trên đất liền và từ 500 – 1.000 kWh/m2/năm tại các khu vực bờ biển, Tây Nguyên và phía Nam. Chính vì vậy, thay cho việc phải dùng dầu diesel một cách dè sẻn và bị động do phải chuyển từ đất liền ra đảo, tận dụng nắng gió sẵn có và rất dồi dào sẽ giúp quân dân tại các đảo xa bờ có điện sử dụng 24/24 giờ mỗi ngày.

Dự án cấp điện sạch cho đảo Sơn Chà (tỉnh Thừa Thiên – Huế) hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả từ đầu năm 2014. Dự án do Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Năng lượng Mặt Trời Bách Khoa (SolarBK) cung cấp và chuyển giao thiết bị công nghệ. Dự án có tổng công suất 8200Wp với hệ thống gồm 40 tấm pin năng lượng mặt trời IREX 205Wp, inverter, bộ sạc mặt trời, ắc quy… đảm bảo năng lượng trung bình từ 25 – 30 kWh/ngày phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chiến đấu của bộ đội biên phòng trên đảo. Ngoài các thiết bị trên, 5 trụ đèn năng lượng mặt trời có chế độ điều khiển đèn tự động thông minh, có thể hoạt động liên tục trong 3 ngày không có nắng.

Ông Đỗ Hiệp Thắng – Phó Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế – cho biết, trước đây bộ đội biên phòng tại đảo Sơn Chà chủ yếu dùng dầu diesel và máy phát điện chỉ chạy được 1 giờ  trong ngày,  nhưng hiện nay các chiến sĩ đã có thể xem tin tức thường xuyên, sạc pin giúp việc liên lạc, kiểm soát thông tin và tuần tra trong đêm dễ dàng, nhờ có điện đường thắp sáng ngay cả những tháng mùa đông không có nhiều nắng.

Trước đảo Sơn Chà, hàng loạt các đảo lớn có tầm quan trọng về quốc phòng, dân sinh  cũng đã được đầu tư xây dựng hệ thống năng lượng sạch như quần đảo Trường Sa, đảo Trần, đảo Phú Quý… Dự án trọng điểm quốc gia năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa và Nhà Dàn DK do Bộ Tư lệnh Hải Quân làm chủ đầu tư, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ vốn và Công ty SolarBK nhập ủy thác các thiết bị, lắp đặt vận hành và huấn luyện đào tạo, chuyển giao công nghệ sử dụng cho các cán bộ kỹ thuật tại các đảo. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 6.000 tấm pin năng lượng mặt trời, 120 động cơ gió, 4.000 bình ắc quy, 1.000 bộ đèn LED sử dụng năng lượng mặt trời chiếu sáng sân kè, đường và tường, 60 đèn pha dò tìm… đã được lắp đặt trên 48 đảo và 15 nhà dàn DK tại quần đảo Trường Sa. 

Ông Nguyễn Dương Tuấn – Tổng giám đốc CTy SolarBK – cho biết, hệ thống đã cung cấp tổng năng lượng hơn 5.000 kWh/ngày (khoảng 155.000 kWh/tháng) cho toàn quần đảo. Không chỉ giải quyết nhu cầu cấp thiết về năng lượng để phục vụ an ninh quốc phòng, hệ thống năng lượng sạch tại quần đảo Trường Sa còn có giá trị rất lớn trong việc giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch, giúp bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Từ khi lắp đặt đến nay, bình quân hệ thống năng lượng sạch từ gió và nắng ở Trường Sa đã tiết kiệm hơn 2.100 lít dầu diesel/ngày (gần 774.000 lít/năm) và lượng khí thải CO2 đã giảm được 2.300 tấn/năm.

Đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô tỉnh Quảng Ninh) có diện tích 5,5 km2, hòn đảo này là tiền tiêu của vùng Đông Bắc Tổ quốc hiện có bộ đội và người dân đang sinh sống tại đây. Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định đầu tư 162 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cho đảo Trần, trong đó có đề án “Vận động thanh niên, nhân dân ra đảo Trần sinh sống” và 220 hộ dân đã đến đảo Trần trong năm 2013. Để bảo đảm cuộc sống cho người dân tại đây, năm 2012, hệ thống phát điện bằng năng lượng sạch gồm 6 tua bin gió Skystream 3.7, hơn 130 tấm pin mặt trời và hệ thống đèn LED năng lượng mặt trời chiếu sáng đường nội bộ, cung cấp tổng năng lượng hơn 180 kWh/ngày đã được thực hiện.

Năng lượng sạch từ gió và nắng cũng là giải pháp năng lượng hiệu quả trong kinh doanh dịch vụ viễn thông. Cụ thể Trạm viễn thông VNPT lắp đặt tại đảo Mê, Thanh Hóa đã chuyển sang dùng hệ thống năng lượng sạch từ pin năng lượng mặt trời thay cho việc dùng dầu diesel như trước kia. Dự án cải tạo hệ thống pin năng lượng mặt trời tại Cù Lao Chàm (Hội An, tỉnh Quảng Nam) do Công ty SolarBK thi công và cũng sẽ hoàn thành trong nay mai.


(Theo Báo Công Thương, http://baocongthuong.com.vn/)
Từ khóa liên quan: