Tin tức chung

NGHỊCH LÝ NHẬP KHẨU ĐIỆN CỦA VIỆT NAM

Đăng ngày 11/05/2016

“Từ một nước xuất khẩu năng lượng, sắp tới, Việt Nam phải nhập khẩu năng lượng. Nguy cơ không bảo đảm an ninh năng lượng, giảm năng lực cạnh tranh và tụt hậu so với các nước trong khu vực ngày càng cao” - TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia về năng lượng cảnh báo.

Việt Nam đang thiếu điện?

Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng khiến nguồn cung năng lượng đã không bắt kịp cầu. Việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc đang có chiều hướng giảm nhưng vẫn phải duy trì. Ngay cả Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, cũng phải thừa nhận đến năm 2020 phải nhập từ 20-30 triệu tấn than.

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thì vào năm 2020, Việt Nam sẽ nhập khẩu hơn 2.300 MW điện (chiếm 3,1% tổng cơ cấu năng lượng điện), năm 2030 sẽ nhập 7.100 MW (chiếm 4,9% tổng cơ cấu năng lượng điện).

Và lại đang thừa những nguồn điện “trời ban”?

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) Lê Tuấn Phong, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000-2.500 giờ nắng với mức chiếu nắng trung bình khoảng 150kCal/cm2, tương đương với tiềm năng khoảng 43,9 triệu tấn dầu qui đổi/năm. Trong khi đó năng lượng gió có thể đạt công suất phát điện khoảng 800-1.400 kwh/m2/năm trên đất liền, từ 500-1.000 kwh/m2/năm tại các khu vực bờ biển, Tây Nguyên và phía Nam và dưới 500 kwh/m2/năm ở các khu vực khác. Năng lượng sinh khối qui đổi cũng vào khoảng 43-46 triệu tấn dầu trong đó 60% đến từ các phế phẩm gỗ và 4% đến từ phế phẩm nông nghiệp.

lai ghep gio nang luong mat troi
Hệ thống lai ghép gió và năng lượng mặt trời trên quần đảo Trường Sa

Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng, nơi vốn bị hạn chế về nguồn năng lượng gió và năng lượng Mặt trời thì các nghiên cứu cho thấy năng lượng địa nhiệt lại tương đối ấn tượng: bồn địa nhiệt vùng Đông Nam-Tây Bắc với nhiệt độ đạt tới 160oC tại độ sâu 4km (có khả năng sinh điện vào khoảng 1,16% tổng sản lượng điện của Việt Nam sản xuất năm 2006), đới địa nhiệt đứt gãy Sông Lô-Vĩnh Ninh có nhiệt độ trung bình khoảng 114oC, các nguồn nước địa nhiệt 40-50oC ở các điểm Hưng Hà, Phù Cừ, Hải Dương, Ba Vì (Hà Nội)…

Như vậy, chúng ta phải chấp nhận một sự thật "khó nghe" rằng mặc dù Việt Nam rất dồi dào nguồn năng lượng tái tạo nhưng vẫn đang phụ thuộc vào điện nhập khẩu. Tiềm năng nhiều nhưng khai thác chưa triệt để, cán cân chênh lệch này đến bao giờ mới được điều chỉnh lại?

(Bài viết từ SolarBK, nguồn: tổng hợp)

Từ khóa liên quan: