Ngày 8/5 vừa qua, nước Đức mới đạt một kỷ lục mới trong sản xuất năng lượng tái tạo. Nhờ những nguồn năng lượng gió, mặt trời, thủy điện mà nước này đã cung cấp được khoảng 87% lượng điện trên toàn quốc tính vào lúc 1 giờ chiều, tương đương khoảng 55 GW trong tổng số 63 GW.
Ngày 8/5 vừa qua, Đức đạt tới ngưỡng cao nhất trong việc sản xuất năng lượng tái tạo. Trải qua một ngày đầy nắng và gió, khoảng 1 giờ chiều Chủ nhật tại đất nước của năng lượng mặt trời; gió, thủy điện và các nhà máy nhiên liệu sinh học đã cung cấp khoảng 55 GW trong số 63 GW lượng điện năng được tiêu thụ, chiếm 87%. Giá điện thực sự đã xuống mức âm trong vài giờ, nghĩa là khách hàng thương mại được trả tiền để tiêu thụ điện.
Năm ngoái, lượng năng lượng tái tạo trung bình tại Đức chiếm 33%. Năm nay, lượng gió tăng khiến con số đó còn đẩy mạnh hơn nữa. “Thị phần năng lượng tái tạo của chúng tôi lớn hơn qua từng năm”, Christoph Podewils đến từ Agora Energiewende - ban tham mưu năng lượng sạch tại Đức, cho biết. “Hệ thống điện năng thích ứng với điều này một cách hoàn hảo. Chủ nhật vừa qua một lần nữa cho thấy một lưới điện với phần lớn là năng lượng tái tạo hoạt động tốt”.
Các nhà phê bình từng cho rằng đỉnh và đáy của năng lượng tái tạo trên biểu đồ sẽ thay đổi theo từng ngày, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, thế nên nó sẽ luôn đóng một vai trò thứ yếu trong việc cung cấp điện cho một nền kinh tế lớn. Nhưng lập luận này có lẽ đang ngày càng không còn sức thuyết phục. Đức hiện đang lên kế hoạch đạt 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050, và các tua-bin gió của Đan Mạch cũng đã cung cấp dư ra nhiều điện hơn so với tiêc thụ trên phạm vi cả nước, thậm chí họ còn xuất khẩu lượng thặng dư sang Đức, Na Uy và Thụy Điển.
Mặc dù nghe có vẻ tuyệt vời, song, thặng dư năng lượng của Đức vào Chủ nhật vừa qua cũng không hoàn toàn là một tin vui. Hệ thống điện tại quốc gia này vẫn còn quá cứng nhắc đối với các nhà cung cấp điện, cũng như người tiêu dùng, trong việc đáp ứng một cách nhanh chóng các thông tin về giá điện.
Và mặc dù các nhà máy điện hoạt động dựa vào khí đốt hiện đã ngừng hoạt động vào hôm đó, tuy nhiên, các nhà máy điện hạt nhân và than đá vẫn hoạt động. Hậu quả là cung lớn hơn cầu và nhóm nhà máy này phải trả tiền để bán điện trong nhiều giờ. Khách hàng cá nhân không được lợi nhiều trong khi các khách hàng công nghiệp như nhà máy lọc dầu hay các xưởng đúc thì tranh thủ kiếm lời nhờ tiêu thụ điện.