QĐND - Đoàn công tác kiểm tra nghiệm thu Dự án năng lượng sạch và chiếu sáng trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK đã trải một cuộc hành trình hơn 60 ngày đêm trên biển. Điểm cuối cùng của hành trình là ở xã đảo Song Tử Tây (Trường Sa, Khánh Hòa).
Đêm trước khi cập cầu tàu Song Tử Tây, từ tàu Trường Sa 08 phóng tầm mắt nhìn, đảo như một thành phố lung linh ánh đèn. Ánh sáng đan như mắt lưới xuyên qua những vòm lá, như ngàn sao sa vươn ra mặt biển, rơi đầy mặt đất. Ấn tượng nhất trong tôi là những tấm pin mặt trời, những chiếc chong chóng gió. Đâu phải là chàng Đông Ki-sốt trong truyện của Đại văn hào Xéc-văng-tét, mà đó là những nhà khoa học, kỹ thuật viên của Quân chủng Hải quân và cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa hỗ trợ kinh phí và công nghệ, đã bắt nắng, gió vốn thừa thãi ở Trường Sa để chuyển hóa thành điện năng phục vụ bộ đội và nhân dân. Hơn hai năm thi công lắp đặt công trình, kể cả thời gian thí điểm, bộ đội và công nhân các đơn vị thi công vận chuyển hàng chục nghìn tấm pin mặt trời, tua-bin quạt gió, ắc-quy tích điện; hàng nghìn tấn cấu kiện thép, bê-tông, cáp truyền dẫn... Như những chú ong thợ làm việc cần mẫn, hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời và gió đã lắp đặt hoàn chỉnh trên 24 điểm đảo chìm, 9 đảo nổi và đảo chìm, 15 nhà giàn DK, đạt tổng công suất phát điện mỗi ngày gần 5,2 nghìn ki-lô-oát giờ.
Thượng tá Phạm Văn Quý, Phó trưởng Phòng Doanh trại (Cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân) là một trong những người tham gia “hoạch định” dự án và kết cấu hệ thống điện chiếu sáng ở Trường Sa kể: Dự án được nghiên cứu kỹ lưỡng, triển khai theo hai giai đoạn, gồm giai đoạn thí điểm và giai đoạn tổng thể. Giai đoạn thí điểm từ tháng 10-2008 đến tháng 4-2009 triển khai trên xã đảo Trường Sa Lớn và các đảo nổi bằng nguồn vốn hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thí điểm, Bộ tư lệnh Hải quân báo cáo Chính phủ, các cấp bộ, ngành và được Chính phủ phê duyệt triển khai giai đoạn tổng thể, lắp đặt toàn bộ hệ thống điện năng bằng sức gió và năng lượng mặt trời trên tất cả các đảo, nhà giàn DK. Dự án hoàn thành bảo đảm cung cấp điện 24 giờ trong ngày, bộ đội sử dụng điện phục vụ sinh hoạt, học tập, làm nhiệm vụ. Nguồn điện từ gió và mặt trời cung cấp cho các đảo ở Trường Sa và nhà giàn DK rất ổn định bởi các hệ thống trạm tích điện công nghệ tiên tiến. Các trạm điện, thiết bị truyền dẫn, pin mặt trời và tua-bin gió lắp đặt ở Trường Sa, nhà giàn DK hầu hết đều nhập từ nước ngoài, như động cơ tua-bin gió Whisper-500 do Mỹ sản xuất, pin năng lượng mặt trời 220WP (Mỹ), pin 130WP do Hãng Mitsubishi của Nhật Bản chế tạo, thời gian bảo hành hàng chục năm...
Đêm trên đảo Song Tử Tây thơm nồng nàn hương hoa phong ba. Những chùm hoa giống như hoa sữa Hà Nội như càng lung linh hơn trong ánh sáng từ những cột đèn đường. Đi dạo cùng Phó chủ tịch UBND xã đảo Trần Vũ Luân mà lòng tôi xôn xao. Năm nay anh mới 27 tuổi, xung phong ra công tác ở đảo Song Tử Tây đã hơn hai năm. Anh bồi hồi kể: Từ năm 2010 này, xã đảo có đủ điện nên đời sống của các hộ dân xã đảo được cải thiện rất nhiều. Nhà nào cũng sắm tủ lạnh, ti-vi, quạt điện, nên hải sản đánh bắt về được bảo quản đông lạnh; việc học hành của các cháu cũng tốt hơn. Từ khi có điện, việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân thuận tiện hơn nhiều. Có điện, đời sống nhân dân được nâng lên, người dân yên tâm phấn khởi, cùng chung sức với bộ đội xây dựng đảo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.
Tôi dường như đọc được niềm vui trên gương mặt của những cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên của Công ty PTSC thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa. Họ không chỉ hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt và bàn giao hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng trên đảo và nhà giàn DK, mà trong mỗi người còn lưu giữ biết bao kỷ niệm chia ngọt, sẻ bùi với cán bộ, chiến sĩ trên đảo và trên những con tàu. Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa Nguyễn Mạnh Cường kể: Chuyến đi thi công công trình đáng nhớ nhất với chúng tôi vào đầu năm 2010. Xuất phát ngày 26-1, ít ngày sau đoàn chúng tôi đến đảo Sinh Tồn Đông, khẩn trương lắp đặt trang thiết bị, kịp thời phát điện đúng dịp Tết Canh Dần. Chúng tôi cùng vui đón Xuân với bộ đội trên đảo trong ánh điện rực sáng. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê đằm trong niềm vui đón Tết ở đảo xa... Rồi anh Cường nghẹn ngào: Nhưng khi đến nhà giàn DK-15, lắp đặt xong hệ thống điện chiếu sáng thì trời nổi dông gió, mưa như trút nước. Trong đêm, ánh đèn điện vẫn lung linh. Rồi qua câu chuyện với các chiến sĩ nhà giàn từ những ngày đầu gian khổ, anh càng hiểu khó khăn của bộ đội nhà giàn. Giá như ngày ấy trên nhà giàn có điện sáng cả đêm thế này...
Bây giờ tất cả các đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn đèn điện sáng lung linh. Đấy là Trường Sa đang thức, hướng về đất liền. Những người chiến sĩ đang trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, để bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài và ảnh: Đình Xuân