Thông cáo báo chí

Petrovietnam giải cơn khát trên đảo Song Tử Tây

Đăng ngày 06/05/2015

Xưa nay, việc cung cấp nước ngọt trên hải đảo luôn canh cánh bên lòng cán bộ, chiến sĩ và cư dân có mặt trên đảo Song Tử Tây. Trong những ngày này, chúng tôi hòa chung niềm vui lớn khi công trình biến nước biển thành nước ngọt từ tấm lòng người dầu khí, giải cơn khát kinh niên cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. 
 

Lọc mặn thành ngọt

Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK là chủ quyền thiêng liêng, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Tổ quốc, có ý nghĩ địa lý, chính trị hết sức quan trọng trong Chiến lược biển của nước ta. Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK luôn được nhân dân cả nước dành những tình cảm thiết tha nhất. Với sự quan tâm đầu tư của các cấp và nhân dân cả nước, đến nay, đời sống của quân, dân trên Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK đã được cải thiện rất nhiều.

Từ trước đến nay, quân và dân trên Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK vẫn phải sử dụng nguồn nước mưa kết hợp nước tàu chở từ đất liền ra tích trữ trong các bể chứa. Khả năng chứa trữ nước đã được tăng lên khá nhiều trong những năm qua, song nguồn nước này phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên thiếu chủ động, nếu chở từ bờ ra sẽ rất tốn kém và khó khăn trong việc chuyển nước từ tàu vào đảo. Ý tưởng lọc nước biển thành nước ngọt cho quân và dân trên Quần đảo Trường Sa cũng như Nhà giàn DK nung nấu bấy lâu, nay đã thành hiện thực.

Ứng dụng công nghệ để lọc nước biển thành nước ngọt phục vụ nhu cầu cuộc sống ở những vùng ven biển, đảo và nơi không có nguồn nước ngọt tự nhiên đã được triển khai tại một số nước phát triển trên thế giới. Ở môi trường khắc nghiệt như Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK khiến cho việc thí điểm để triển khai phải được thực hiện từng bước một cách thận trọng. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường, Đảo trưởng đảo Song Tử Tây nói, đảo Song Tử Tây được chọn để triển khai thí điểm hệ thống cung cấp nước ngọt từ biển tại 1 điểm đảo thuộc Quần đảo Trường Sa. Trên cơ sở kết quả thí điểm này sẽ tiến hành so sánh, lựa chọn ra công nghệ thích hợp nhất báo cáo Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.

Đã có công nghệ, dự án được phê duyệt nhưng nguồn vốn để lắp đặt thiết bị là quá lớn. Ước tính, kinh phí thực hiện dự án lên đến hơn 40 tỉ đồng. Đồng chí Nguyễn Quốc Thịnh, Bí thư đoàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) khẳng định, hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác Dầu khí ở nước ta hiện nay đều gắn liền với biển, đảo của Tổ quốc. Các hoạt động dầu khí luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước; sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương; của nhân dân và các lực lượng vũ trang nhất là lực lượng Hải quân.

Thấu hiểu được nỗi khát khao của quân và dân trên đảo luôn “khát” nước sạch, Petrovietnam đã phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện xây dựng các hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt. Nhà máy hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giúp cải thiện cho đời sống cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo của Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK. Lãnh đạo Petrovietnam coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo vận động các nguồn lực thực hiện.

Nhận được sự hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án của Petrovietnam, Bộ Tư lệnh Hải quân lập dự án và trình Bộ Quốc phòng phê duyệt để triển khai. Bộ Quốc phòng đã phê duyệt và có kế hoạch đấu thầu các gói thầu thuộc dự án Thí điểm đầu tư xây dựng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt trên Quần đảo Trường Sa. Dự án được triển khai thí điểm tại đảo Song Tử Tây để kiểm chứng sự phù hợp của công nghệ và thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt hiện có trên thị trường.

Sau hơn 1 năm triển khai thi công, đến nay việc xây dựng, lắp đặt thiết bị của dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành. Hệ thống đã hoạt động liên tục 24/24h và cho sản lượng 18m3 nước ngọt sạch mỗi ngày cấp cho quân, dân trên đảo. Ông Đỗ Công Thành, Phó Quản đốc, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Mặt trời Bách Khoa (Công ty Bách Khoa) phân tích: “Điều rất ý nghĩa là hệ thống sử dụng nguồn điện năng lượng sạch (gió và mặt trời) nên không phụ thuộc nguồn xăng dầu và rất thân thiện với môi trường”.

Nhân viên kỹ thuật của Công ty Bách Khoa đã vận hành chạy thử với sự theo dõi, kiểm tra, giám sát của đơn vị tư vấn giám sát, của Chỉ huy đảo Song Tử Tây và có sổ nhật ký theo dõi hằng ngày. Nguồn nước ngọt do máy lọc đã được kiểm tra tại chỗ thông qua thiết bị đo nồng độ mặn cầm tay. Những mẫu nước ngọt được đưa đi xét nghiệm tại Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TP HCM. Báo cáo xét nghiệm (ngày 18-12-2014) cho ra chất lượng nước cấp tại đảo đạt tiêu chuẩn nước uống được.
Sau thời gian chạy thử từ ngày 15-9-2014 đến nay, Hội đồng Nghiệm thu Quân chủng và các cơ quan, đơn vị chức năng đã tiến hành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường, Đảo trưởng đảo Song Tử Tây nhẩm tính, mỗi ngày hệ thống cấp cho đảo 18m3 nước ngọt sạch và nếu so sánh với việc hứng nước mưa thì coi như quanh năm đảo có mưa. Điều này có nghĩa, quân và dân trên đảo không còn lo ngại thiếu nước về mùa khô nữa.
 

Cầu nối của tình quân dân

Dự án này, Petrovietnam đã có sự tài trợ kịp thời cho dự án thí điểm lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Song Tử Tây. Những kết quả bước đầu trong thời gian chưa dài nhưng khẳng định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả to lớn và ý nghĩa chính trị quan trọng của Dự án đối với Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK. “Đây vừa là món quà vật chất vừa là sự động viên tinh thần lớn lao tạo khí thế cho quân và dân Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK xây dựng ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái khẳng định.

Anh Lưu Quang Việt, Trưởng phòng Công nghệ Thông tin & Tự động hóa, 
Ban Khoa học Công nghệ Petrovietnam kiểm tra nước ngọt được lọc từ nước biển
 
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường nói: “Để công trình bền vững với thời gian trong điều kiện môi trường khắc nghiệt của biển đảo, đề nghị Petrovietnam tiếp tục đầu tư kinh phí cho việc bảo trì, bảo dưỡng kỹ thuật hệ thống. Công trình này có ý nghĩa là cầu nối bền vững về mối quan hệ đoàn kết giữa Petrovietnam và Quân chủng Hải quân anh hùng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo và thực hiện chiến lược biển Việt Nam trong những năm tới”.

Đến đảo hôm nay, chứng kiến những khó khăn và nhất là điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, song quân và dân trên đảo luôn vững vàng nơi tuyến đầu đã minh chứng cho ý chí quyết tâm, lòng quả cảm của người Việt Nam đối với chủ quyền của Tổ quốc. Đảo là nơi thiếu nước ngọt và bị động về nước ngọt. Nước là điều kiện rất quan trọng của sự sống. Với nguồn nước chủ động từ hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt sẽ tạo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho quân, dân trên đảo.

Đồng chí Nguyễn Quốc Thịnh, Bí thư đoàn Petrovietnam nói: “Đây là một công trình có ý nghĩa quan trọng, chứa đựng tình cảm của gần 6 vạn CBCNV-NLĐ dầu khí đến với biển đảo quê hương và càng đặc biệt hơn là được khánh thành đúng vào dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 40 năm giải phóng Trường Sa, thống nhất đất nước; 60 năm Thành lập Quân chủng Hải quân Việt Nam”.

Hệ thống lọc nước được thí điểm và bước đầu đi vào hoạt động, nhiều công việc đang được các nhà thầu hoàn thiện. Petrovietnam đã đề nghị chủ đầu tư tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu, các đơn vị liên quan kiểm tra theo dõi, điều chỉnh các thông số cài đặt theo thực tế điều kiện môi trường biển, đảo để hệ thống được vận hành ổn định, an toàn và tối ưu nhất làm cơ sở cho việc nghiên cứu nhân rộng, lắp đặt cho các đảo khác.

Ông Đỗ Công Thành, Phó quản đốc, Công ty Bách Khoa bộc bạch: “Công ty chúng tôi rất vinh dự khi thực hiện Dự án Lọc nước biển thí điểm trên đảo Song Tử Tây. Đây là dự án rất quan trọng và cần thiết, dự án không chỉ mang lại nguồn nước sạch, phục vụ cho nhu cầu cấp thiết trong sinh hoạt, học tập và chiến đấu của cư dân trên đảo mà còn có ý nghĩa chính trị rất lớn trong công cuộc xây dựng và giữ gìn biển đảo của Tổ quốc”.

Công ty Bách Khoa đã trải qua hơn 7 năm trên Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK để nhận nhiệm vụ triển khai xây dựng và bảo trì Dự án Năng lượng sạch và chiếu sáng. Bộ Tư lệnh Hải quân tín nhiệm và tin tưởng tiếp tục giao nhiệm vụ triển khai Dự án Lọc nước biển thí điểm. Trong hơn 1 năm thi công, Công ty Bách Khoa đã quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành dự án đảm bảo chất lượng, an toàn và đúng tiến độ.

Đến giữa tháng 9-2014, dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm. Trong quá trình vận hành và cân chỉnh thiết bị, cán bộ kỹ thuật của đảo đã cùng với Công ty Bách Khoa đi kiểm tra và ghi lại nhật ký vận hành. Kỹ thuật viên trên đảo cũng tiếp nhận cách vận hành từ Công ty Bách Khoa để tiếp quản sau này. Hệ thống lọc nước biển thí điểm đến nay đã hoạt động ổn định đúng với thiết kế và tiến độ đề ra ban đầu. Ngày 23-4-2015, Hội đồng nghiệm thu đã kiểm tra thực tế công trình và tiến hành nghiệm thu chính thức bàn giao công trình cho quân và dân trên đảo Song Tử Tây tiếp quản sử dụng.
 

Niềm vui dân đảo
Hay tin hệ thống lọc nước trên đảo Song Tử Tây được đưa vào sử dụng, anh Nguyễn Thành Trung (SN 1984) và vợ là chị Trương Thị Thanh Xuân (SN 1989) không giấu được sự xúc động. Anh Trung kể, năm 2009, anh yêu và cưới chị Xuân làm vợ. 9 tháng sau, con gái lớn ra đời trong niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Năm 2013, anh Trung tình cờ nghe được thông tin địa phương xét tuyển cho người dân đi kinh tế mới ở Quần đảo Trường Sa.
Nhiều đêm suy nghĩ, anh bàn với chị Xuân ra đảo Song Tử Tây để sinh sống. Thuận ý chồng, chị Xuân đồng ý và cả 2 đã đến xã để nộp đơn xin tình nguyện ra đảo. Khi hồ sơ được duyệt, gia đình anh Trung quá đỗi vui mừng xen lẫn sự lo lắng. Cả 2 bắt đầu hình dung đến cuộc sống ở đảo xa đất liền để không bị bỡ ngỡ khi đặt chân đến. Ngày 11-6-2013, chuyến tàu chở gia đình anh Trung đến với đảo cùng 6 hộ dân khác. Suốt 14 ngày lênh đênh trên biển, cả 7 hộ dân đã đặt chân đến đảo Song Tử Tây. Thời gian đầu, các hộ dân chưa có điện đã được chính quyền địa phương xã đảo tạo điều kiện cho lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời.


Gia đình anh Nguyễn Thành Trung và chị Trương Thị Thanh Xuân
 
Những ngày đầu tháng 4-2015, đảo Song Tử Tây bắt đầu đưa hệ thống nhà máy lọc nước vào vận hành chạy thử nghiệm. Các hộ dân lại được ưu tiên bắt đường ống nước lọc về tận nhà. Cuộc sống của người dân trên đảo Song Tử Tây thay đổi hẳn. Ban ngày đi mủng ra biển, tối về lại ở bên các phương tiện giải trí như: Tivi, karaoke… Tất cả các hộ dân trên đảo đều đã bắt truyền hình chảo của VTV. Nhiều gia đình mua sắm thêm tủ lạnh, máy giặt để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.
Trồng rau trên đảo không phải là chuyện dễ như đất liền. Những luống rau xanh trong vườn, gia đình anh Trung tự trồng và được chính quyền xã đảo cung cấp hạt giống. Trồng rau gặp khó khăn do nắng hạn nên các hộ dân bèn nghĩ ra cách dùng lưới nilon che nắng như những lồng kính, giúp rau giữ nước và đất tăng độ ẩm hơn. Nhờ đó, rau xanh trong vườn nhà anh Trung luôn có quanh năm để cải thiện bữa ăn.

Gia đình anh Trung đã xem đảo như đất liền và cũng như là quê hương thứ 2 của mình. Những khó khăn ban đầu 2 vợ chồng đã vượt qua tất cả. Hằng ngày, anh Trung đi biển găm lưới bắt cá để lo cho gia đình. Chị Xuân ở nhà lo việc nội trợ chăm sóc các con.

Nhớ lại đêm giao thừa đầu tiên xa nhà trên đảo, gia đình anh Trung cùng 6 hộ còn lại tổ chức nấu bánh tét chung. Những ngày đón tết xa quê, các hộ dân lại tổ chức trò chơi, lễ hội để mọi người cùng tham gia. Cuộc sống bình dị của các hộ dân trên đảo Song Tử Tây cứ thế êm đềm trôi qua. Anh chị nhẩm tính, đến tháng 9 này, xã đảo lại đón nhận thêm dân cư mới. Hiện chị Xuân đang mang thai tháng thứ tư. Chị Xuân mong muốn được sinh cháu trên đảo vì đó là niềm tự hào, là niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ.

Câu chuyện ra đảo Song Tử Tây để lập nghiệp của anh Nguyễn Tấn Kiệt (SN 1977), chị Nguyễn Thị Thanh Thoảng (SN 1982, cùng quê phường Cam Linh, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) như một định mệnh. Ngày nộp đơn ra phường, anh Kiệt sợ sức khỏe không đạt sẽ không được đi. Nhưng rồi, anh Kiệt và chị Thoảng lại được chọn ra đảo Song Tử Tây để lập nghiệp như một sự may mắn. Cuộc sống trên đảo hoàn toàn khác ở đất liền. Nhờ khí hậu trong lành, anh Kiệt và chị Thoảng cùng 2 cô con gái Nguyễn Hà Bảo Châu (SN 2006), Nguyễn Hà Bảo Yên (SN 2011) không hề mắc các loại bệnh cảm cúm như trong đất liền. Sống xa gia đình, nỗi buồn lớn nhất của anh chị là nhớ cha mẹ già và ông bà phải xa cháu.

Anh Kiệt và chị Thoảng đều là con út trong gia đình nên khi nộp hồ sơ để xin ra đảo sống đã vấp phải sự phản đối của gia đình. Nhưng rồi, mọi người cũng đành cho đôi vợ chồng trẻ lập nghiệp trên đảo theo ước nguyện. Cả hai anh chị mang tâm tư, nguyện vọng cuộc sống sẽ có những thay đổi mặc dù sống nơi đảo xa. Đặt chân lên đảo, anh Kiệt đã hỏi thăm các anh bộ đội về thời tiết, khí hậu và những khó khăn có thể phải đối mặt. Nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trên xã đảo Song Tử Tây, cuộc sống của anh chị từng bước vượt qua được tất cả.

Hằng ngày, cháu lớn học lớp 3 tại ngôi trường trên đảo, cháu nhỏ học lớp mầm non. Anh Kiệt vẫn cùng các hộ dân khác đi mủng bắt cá tôm và trồng ít rau xanh ở sau vườn để cải thiện cuộc sống. Chị Thoảng ở nhà chăm sóc con nhỏ, lo việc nội trợ trong gia đình. Ngoài thời gian đi biển, anh Kiệt còn nuôi thêm gà, vịt để cải thiện bữa ăn. Câu chuyện trồng được cây chanh dây của gia đình anh Kiệt cũng là một đề tài thu hút sự chú ý của cả đảo.

Lúc mới ra đảo Song Tử Tây sinh sống, anh Kiệt mua 3 cây ớt nhỏ mang theo để trồng. Một thời gian sau, 2 cây ớt lớn và cho trái. Chỉ có 1 cây thân dây leo, bò ra đất. Anh Kiệt thấy lạ nên làm giàn cho cây leo lên. Nhiều người đoán là cây gấc, cây bầu, bí… Đến khi cây ra hoa lần đầu nhưng không đậu trái. Một thời gian sau, cây lại tiếp tục ra hoa nhiều hơn và cho trái chanh dây. Gia đình anh Kiệt tự hào vì là người vô tình mang chanh dây ra đảo để gây giống.

Đảo Song Tử Tây có khí hậu trong lành nên các cư dân hiếm khi bị bệnh. Sống trên đảo xa lâu ngày, các cư dân như muốn gắn bó quãng đời còn lại ở nơi đây. Gia đình anh Trung cũng như anh Kiệt luôn mong muốn được lập nghiệp lâu dài và mong được cống hiến tại đảo đến tuổi về già. Cuộc sống nơi đảo xa với những cư dân rất đỗi bình yên nhờ các anh chiến sĩ luôn ngày đêm canh gác, bảo vệ vùng biển trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.
 

(Theo PetroTimes, petrotimes.vn )

 
Từ khóa liên quan: