Thông cáo báo chí

Báo Pháp luật TP đưa tin về dự án NLS đảo Trần của SolarBK

Đăng ngày 07/04/2014

Nhờ điều kiện khí tượng thuận lợi, năng lượng mặt trời có thể được lắp đặt bất kỳ quy mô, vị trí nào.

Theo Viện Năng lượng, Việt Nam có tổng số giờ nắng cao, lên đến trên 2.500 giờ/năm. Tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam. Đây là cơ sở thuận lợi để chúng ta phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời (NLMT). Tuy nhiên, hiện nay, NLMT ở nước ta chủ yếu áp dụng cho việc cung cấp nước nóng ở hộ gia đình, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, quân đội, các trung tâm dịch vụ; hệ thống chiếu sáng công cộng; cấp điện cho vùng sâu, vùng hải đảo, vùng núi chưa nối lưới…

Về năng lượng gió, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), so với một số nước trong vùng Đông Nam Á, tiềm năng gió của Việt Nam rất khả quan. Trên lý thuyết, chúng ta có thể đẩy năng lượng gió lên đến mức 513,360 MW ở độ cao 65 m. Đối với độ cao 30 m, thích hợp cho các động cơ gió có công suất nhỏ. Trong khi đó, Việt Nam có đến 41% diện tích nông thôn có thể phát triển điện gió loại nhỏ. Hơn nữa, các nguồn năng lượng dồi dào này lại có thể được khai thác, sử dụng ngay tại chỗ. Đặc biệt là với công nghệ hiện nay, điện gió và mặt trời tạo ra còn có thể hòa ngược vào lưới điện quốc gia để giảm tải cho các nhà máy nhiệt điện.

Theo dự báo của Viện Năng lượng, nhu cầu điện của Việt Nam có thể tăng đến 570 tỉ kWh năm 2030, tốc độ tăng trung bình 10%/năm. Mặt khác, hiện nay các nguồn năng lượng khác ngày càng cạn kiệt, dẫn đến giá điện ngày càng tăng. Vì vậy, việc chuyển dần sang sản xuất điện từ năng lượng tái tạo là rất cần thiết. Đây cũng là nội dung nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2030.

Còn nhớ vào tháng 11-2012, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Công ty SolarBK đã khánh thành dự án thí điểm hệ thống cung cấp năng lượng sạch và chiếu sáng đảo Trần/QK3. Dự án năng lượng sạch này bao gồm: lắp đặt tấm pin mặt trời và động cơ gió; nhà trạm nguồn: bình ắcquy, bộ biến điện…; hệ thống máng cáp truyền tải điện ngầm; hệ thống chiếu sáng đèn đường nội bộ bằng Led. Hệ thống được triển khai ở tiểu đoàn QK3 trên đỉnh đồi 111, quy mô khoảng sáu tua-bin gió Skystream 3.7, hơn 130 tấm pin năng lượng và nhiều thiết bị khác… Ước tính tổng năng lượng cung cấp đạt hơn 180 kWh/ngày.

Được biết đảo Trần nằm tại xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, Quảng Ninh, diện tích khoảng 5,5 km2. Đây là hòn đảo có vị trí chiến lược rất quan trọng ở vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh lực lượng chiến sĩ ngày đêm canh gác bảo vệ, giữa năm 2013, 220 hộ dân đăng ký định cư tại đảo. Quý II-2014, dự kiến 17 hộ dân đầu tiên sẽ ra đảo sinh sống. Mục đích phát triển kinh tế, xã hội, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Như vậy, dự án năng lượng xanh-sạch đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện, là nền tảng đảm bảo cuộc sống an cư của người dân.

 
(Theo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh
Từ khóa liên quan: