Bén duyên với Trường Sa và DK 1 hơn 3 năm qua, kỹ sư Thạch Văn Tránh đã góp phần làm cho vùng lãnh thổ thiêng liêng này của Tổ quốc luôn rực sáng giữa biển khơi.
Kỹ sư Thạch Văn Tránh đang bảo trì hệ thống điện trên đảo Trường Sa
“Anh hỏi ai? Tránh năng lượng sạch – Hoa của biển ấy à? Anh ấy đang ở nhà trạm năng lượng sạch ấy”. Không nói ra nhưng trong đầu tôi cứ thắc mắc con trai sao lại gọi là “Hoa của biển”? Đến khi trò chuyện, tôi mới biết vì sao người chiến sĩ trên đảo Trường Sa chỉ đường cho tôi lại gọi kỹ sư Thạch Văn Tránh, Trưởng bộ phận ME của Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa, là “Hoa của biển”.
Giữ nguồn điện liên tục
Huyện đảo Trường Sa và khu nhà giàn DK 1 hiện có 118 turbine gió, 4.093 tấm pin mặt trời, gần 4.200 bình ắc-quy 12V/230Ah, hơn 20 nhà trạm cùng hệ thống cáp truyền tải và các phụ kiện khác… đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng điện của quân và dân ở đây. Ngoài ra, có 600 bộ đèn pha bảo vệ sử dụng năng lượng mặt trời, bảo đảm chiếu sáng tầm xa hơn 1.000 m Đập vào tôi cái nhìn đầu tiên là nụ cười tươi rói, dễ mến trên khuôn mặt rám nắng cùng mái tóc xoăn trong cái nắng chói chang và cái gió lồng lộng của Trường Sa, Tránh đùa: “Da, tóc em thế này là có phần góp của nắng và gió biển đấy”. Nhưng nhờ nắng và gió, Trường Sa và khu nhà giàn DK 1 (Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam) là nơi rất giàu năng lượng sạch. “Thời gian có cả nắng to và gió lớn luôn chiếm 60%-70% thời gian trong năm, những ngày không nắng thì có gió và ngược lại. Ngày vắng cả nắng và gió hiếm lắm, chỉ đếm trên đầu ngón tay trong một năm thôi” - Tránh đúc rút từ hơn 3 năm lăn lộn với vùng biển đảo này.
Thế là nắng và gió trở thành “thiên thời, địa lợi” để phát triển năng lượng sạch. “Nhân hòa” là quyết sách của Nhà nước để Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân cùng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam triển khai dự án năng lượng sạch, chiếu sáng quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1 với tổng vốn đầu tư trên 400 tỉ đồng. Dẫn tôi ra chân chiếc turbine có hai cánh quạt đang quay tít trên đầu, kỹ sư Tránh cho biết mỗi chiếc turbine thế này có thể cung cấp khoảng 3,2 KWh điện và mỗi tấm pin mặt trời đang lấp lóa dưới ánh nắng kia cũng cho 1,1 KWh nữa. “Với hơn 20 turbine gió và vài trăm tấm pin mặt trời thế này là bảo đảm đủ điện để quân và dân trên đảo Trường Sa sử dụng 24/24 giờ anh à”.
Ngồi trong nhà anh Đặng Thanh Chương, không thể ngờ rằng căn nhà tổng diện tích khoảng 200 m2 này lại thuộc thị trấn Trường Sa đang nằm trên hòn đảo cách đất liền vài trăm cây số. Trong phòng khách có chiếc tivi cùng đầu thu mấy chục kênh truyền hình. Các phòng trong căn nhà này đều có quạt máy và đèn nê-ông. Anh Chương lấy ly nước mát từ chiếc tủ lạnh mời khách: “Điện ở đảo tốt hơn đất liền. Ngoài này, xem tivi thấy trong đất liền cúp điện nơi này, nơi kia, giá điện lại tăng. Ở đây, không phải lo điện bị cúp hay giá tăng gì cả”.
Người lính không quân phục
Theo kỹ sư Tránh, để có điện trên huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1 đã là việc khó, duy trì nguồn điện liên tục ở nơi này lại là việc khó hơn vì đây là nơi xa xôi cách trở, khí hậu khắc nghiệt. Dày công suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo, tập thể kỹ sư và nhân viên kỹ thuật của công ty mới thiết kế hệ thống năng lượng sạch với những chiếc turbine, pin mặt trời phù hợp với điều kiện huyện đảo và nhà giàn. “Từ ngày hệ thống đưa vào vận hành, chưa bao giờ ánh sáng tắt trên các hòn đảo và nhà giàn cho dù bão có giật trên cấp 12” - kỹ sư Tránh tự hào.
Để có được dòng điện chưa bao giờ ngắt trên huyện đảo và nhà giàn, kỹ sư Tránh, cử nhân Phan Hồng Phúc... cùng rất nhiều kỹ thuật viên của công ty đã lăn lộn, bám biển đảo. Kỹ sư Tránh được mọi người xem như người lính không mặc quân phục trên tuyến đầu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Kỹ sư Tránh tại Công Ty Mặt Trời Bách Khoa
Đến với Trường Sa và nhà giàn DK 1 hôm nay, cùng với tiếng sóng rì rào của đại dương còn là ánh sáng lung linh giữa biển khơi. Nếu Trường Sa, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, An Bang... như những thành phố nổi trên đại dương thì đảo chìm Đá Tây, Đá Đông, Cô Lin, Len Đao, Thuyền Chài hay những nhà giàn DK 1 ở bãi Phúc Tần, Tư Chính, Huyền Trân, Quế Đường... là những cột mốc chủ quyền, luôn rực sáng. Nguồn ánh sáng đó là chỗ dựa và niềm tin cho ngư dân bám biển khai thác hải sản, khẳng định chủ quyền. Những người như kỹ sư Tránh là những bông hoa ánh sáng giữa biển khơi.
Tiếp nhận đá chủ quyền quần đảo Trường Sa
Sáng 28- 4, tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức tiếp nhận 21 khối đá san hô tượng trưng cho 21 đảo trên quần đảo Trường Sa và cây bàng quả vuông - biểu tượng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc - do Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam và nhân dân huyện đảo Trường Sa trao tặng.
Trước đó, chiều 27-4, tại huyện đảo Lý Sơn, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức tọa đàm về tuyên truyền biển đảo.
Nguoilaodong