Ngày 14 và 15, tháng 11 năm 2018 vừa qua, Hội nghị & Triển lãm Năng lượng Mặt trời và Hệ thống lưu trữ Đông Nam Á 2018 (ASESCE 2018) đã được diễn ra tại thủ đô Manila. Đây là sự kiện thường niên tổ chức lần thứ 3 và được xem là sự kiện tập trung về năng lượng mặt trời lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, thu hút hơn 1000 người tham dự hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Sự kiện diễn ra theo dạng chuỗi các hội thảo và phiên thảo luận. Qua đó, đại diện của SolarBK với vai trò là diễn giả đã tham gia thảo luận trong phiên hội thảo có chủ đề “Exploring the Potentials of Vietnam Renewables with the Next Round of “FIT”.
ASESCE 2018 quy tụ các diễn giả từ khắp nơi trên Thế giới cùng thảo luận, đề ra các ý kiến nhằm giúp phát triển ngành kinh tế “xanh” của thị trường Đông Nam Á trong tương lai. Nhờ đó, sự kiện sẽ định vị tình trạng hiện tại của ngành năng lượng mặt trời trong khu vực: những thách thức – cơ hội trong kỉ nguyên phát triển thần tốc của công nghệ, đồng thời cung cấp những tin tức bên trong thị trường năng lượng mặt trời và hệ thống lưu trữ ở các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Malaysia.
Ông Mai Văn Trung – Giám đốc Phát triển Kinh Doanh của SolarBK đã cùng đại diện đến từ các nước phát triển về năng lượng tái tạo như Hong Kong, Singapore, Ireland, Philippines tham gia thảo luận về ngành năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Cụ thể, ông Trung đã đưa ra những thông tin về tình trạng thị trường năng lượng tái tạo ở nước nhà, chia sẻ về SolarBK và các chuỗi hoạt động kinh doanh sau khi Chính phủ Việt Nam ban hành chính sách FiT (Biểu giá hỗ trợ điện),
SolarBK đến với ASESCE 2018 với mục đích chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các dự án micro-grid trong nước, trên cơ sở đó mở ra các cơ hội hợp tác và triển khai các dự án lưới điện siêu nhỏ tại Việt Nam. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để SolarBK nghiên cứu về những thành tựu đã đạt được của nước bạn cũng như lắng nghe những nhận định và ý kiến đóng góp dành cho thị trường Việt Nam.
Tiềm năng phát triển Micro-gird ASESCE 2018 đã mang lại cái nhìn bao quát về sự phát triển của năng lượng mặt trời tại Đông Nam Á qua các bản báo cáo, phân tích và dự đoán trong thời gian tới. Sự kiện vừa là một diễn đàn uy tín kết nối và tạo cơ hội liên kết giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, vừa là đầu mối thông tin cung cấp những kinh nghiệm thực tế về các dự án micro-grid và hệ thống lưu trữ năng lượng.
Từ những thông tin quý giá thu được sau sự kiện, SolarBK dự định sẽ nghiên cứu kĩ xu hướng đầu tư các hệ thống lưu trữ năng lượng nhằm tối ưu hóa nguồn năng lượng mặt trời dồi dào tại Việt Nam. Hơn nữa, SolarBK cũng sẽ chọn đối tác phù hợp có thể đầu tư, kết hợp cùng SolarBK trong việc triển khai những dự án micro-grid ngoài biển đảo và xây dựng các kho lưu trữ năng lượng nhằm góp phần tăng tính ổn định cho mạng lưới điện của quốc gia, mang lại thêm nhiều lợi ích cho khách hàng trong nước.
Với sự có mặt của SolarBK, phiên thảo luận đã nắm bắt được tình hình chung của ngành điện mặt trời tại Việt Nam. Ngoài ra tầm quan trọng của hệ thống lưu trữ năng lượng được đề cập tại sự kiện cũng rất đáng quan tâm, tiềm năng trở thành hướng đi mới phù hợp trong tương lai cho các doanh nghiệp năng lượng sạch trong nước. Đó cũng là chất xúc tác, tạo tiền đề cho chính phủ tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ năng lượng sạch tại Việt Nam.
Có thể nói, việc SolarBK được lựa chọn để góp tiếng nói tại sự kiện lớn này là nhờ nền tảng 40 năm nghiên cứu về năng lượng sạch, sở hũu nhà máy tự chủ sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ngay trong nước với công suất lên đến 500 MWp/năm, và đặc biệt được biết đến như đơn vị cung cấp giải pháp và thi công những dự án micro-grid có công suất lớn như: dự án thắp sáng 48 điểm đảo của Trường Sa và nhà dàn DK1, dự án đảo Sơn Chà – Thừa Thiên Huế, dự án đảo Mê – tỉnh Thanh Hóa.
THÔNG TIN THÊM
FiT là mẫu số chung dành cho thị trường điện Mặt trời Đông Nam Á Bàn về thị trường trong khu vực, không thể phủ nhận chính sách FiT đang là đôi cánh cho ngành năng lượng mặt trời được bay cao tại Đông Nam Á.
Tại Thái Lan, nơi sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất trong khu vực nhờ hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ, công suất điện mặt trời lắp đặt đã đạt 2.800 MW trong năm 2016, lớn hơn tổng của các nước còn lại.
Singapore đang dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ, với mũi nhọn về nghiên cứu – phát triển, quốc đảo sư tử đầu tư hơn 700 triệu đô-la Mỹ để cải tiến công nghệ năng lượng sạch, lưới điện thông minh, kho lưu trữ năng lượng.
Philippines đang phát triển rất nhanh sau khi biểu giá điện hỗ trợ FiT được áp dụng. Từ 62 MW năm 2014, Phillipines nâng tổng công suất lắp đặt lên đến 603 MW vào năm 2016 và đưa đảo quốc này trở thành 1 trong 10 thị trường đứng đầu trên Thế giới.
Cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức với thị trường trong nước
Giá mua điện mặt trời FiT tại Việt Nam là 9.35 US cents/kWh và tại Philippines là 17 US cents/kWh. Dù vậy, 9.35 US cents là 1 con số tương đối hào phóng của Việt Nam khi tính đến giá bán điện tại Việt Nam là 7,6 US cents/kWh so với giá bán điện tại Philippines lên đến 19 US cents/kWh – cao nhất Đông Nam Á. Cho thấy khả năng sinh lợi từ điện mặt trời của Việt Nam rất tốt với mức chênh lệch giá mua và bán điện là 1,75 US cents/kWh.
Tại Việt Nam, nền kinh tế đang phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trên dưới 6,7%/năm, mọi lĩnh vực kinh tế đều phát triển mạnh mẽ, yêu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội ngày càng tăng cao (10%/năm), đòi hỏi sự đáp ứng khẩn trương về năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế và đời sống người dân. Khi nhu cầu tổng thể năng lượng gia tăng, đương nhiên nhu cầu đối với năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng cũng sẽ được thúc đẩy.
Tiềm năng phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, đặc biệt là điện mặt trời lắp mái là rất lớn khi không chỉ các nhà phát triển dự án trong nước mà cả những đối tác, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rục rịch tiến vào thị trường này để tìm kiếm cơ hội. Theo thống kê, có đến 24 triệu hộ gia đình tại Việt Nam, tính riêng TP.HCM đã có 277.000 mái nhà đủ điều kiện lắp đặt điện mặt trời, dự kiến 6.000 MWp công suất hệ thống có thể đi vào hoạt động.
Chính sách FiT tại Việt Nam dành cho điện mặt trời chỉ vừa ban hành từ năm 2017, tuy vẫn còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, nhưng với nhu cầu năng lượng ngày một lớn như hiện nay cùng các thuận lợi về mặt tự nhiên, tính năng động của các doanh nghiệp trong nước cũng như chi phí đầu tư đang ngày càng tiệm cận với khả năng của người Việt khi giá 1 kWp điện mặt trời đã giảm hơn 60% so với cách đây 5 năm và thời gian hoàn vốn chỉ còn khoảng 5 năm, Việt Nam sẽ sớm làm chủ được ngành công nghiệp này trong tương lai không xa.
Để giải quyết bài toán năng lượng cho phát triển kinh tế, Việt Nam đang xây dựng chính sách theo hai hướng, một là sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, hai là sử dụng công nghệ thân thiện môi trường để sản xuất năng lượng. Từ đó hướng tới nền kinh tế sử dụng cacbon thấp, thay đổi mô hình sản xuất và sử dụng điện một cách bền vững; chuyển từ giai đoạn sử dụng kém hiệu quả nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.