Không chỉ là một trong những nữ tướng của trường Đại học Bách Khoa TP.HCM vào những năm 90 của Thế kỷ trước, cô Lương còn được biết đến là một giảng viên, nhà khoa học và một doanh nhân thành công trong ngành năng lượng sạch. Cô Dương Thị Thanh Lương – Hiện là chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK), được xem là một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Vào năm 1975, khi trở về Việt Nam với tấm bằng đỏ sau 7 năm theo học ngành chế tạo máy tại trường ĐH Bách Khoa Minscơ (Liên Xô cũ), cô Lương đã nhanh chóng “bén duyên” với chàng chủ nhiệm đề tài về năng lượng gió đầu tiên ở Việt Nam – Thầy Nguyễn Hữu Hùng, cố giảng viên Trường Đại học Cơ Điện Bắc Thái. Thầy Hùng đã trở thành người Chồng và người Thầy của Cô trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cũng từ đó, “cái duyên” với năng lượng tái tạo đã theo Cô cho đến ngày hôm nay.
Thời gian vừa làm giảng viên, vừa thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về ngành năng lượng sạch này khá vất vả đặc biệt đối với phụ nữ vì để triển khai các đề tài này phải đi khảo sát, lắp đặt thử nghiệm tại các vùng sâu vùng xa, vùng hải đảo nơi không có lưới điện quốc gia. Trong thời điểm mà định hướng phát triển của ngành công nghiệp năng lượng sạch còn khá mơ hồ và những nghiên cứu không phục vụ khía cạnh vận động theo “kinh tế thị trường” chưa được ưu tiên mở rộng, để có kinh phí nhằm duy trì đội ngũ nghiên cứu và triển khai các kết quả nghiên cứu vào thực tế ứng dụng quả thật không dễ dàng.
Quyết định làm doanh nhân vì quá đam mê khoa học:
Đó cũng chính là thời khắc khó khăn mà cô cùng các cộng sự buộc phải ra quyết định để bước vào thương trường, để khoa học thực sự phải gắn liền với đời sống, để các kết quả nghiên cứu sẽ do chính người tiêu dùng bình chọn.
“Trước đó, chưa bao giờ tôi có suy nghĩ sẽ bỏ nghề nhà giáo để đi làm kinh doanh. Nhưng khi tôi nhận ra rằng, mọi người không chú trọng vào việc phát triển ngành năng lượng sạch vì họ chưa nhận thấy được tính ứng dụng của nó trong thực tế. Tôi không thể chứng minh cho họ thấy khi bản thân mình chỉ ngồi nghiên cứu bàn giấy hoặc lấy những địa điểm đặc thù để nói chuyện. Đó là lúc tôi hiểu rằng mình phải thay đổi, phải đưa khoa học bước ra đời sống thật, ngay quanh mình. Chính vì thế, chúng tôi thành lập nên SolarBK và bắt đầu với một vai trò mới, môi trường mới của mình.” – Cô Lương kể lại
Thời điểm đó, SolarBK chỉ là con số 0 cả về thị trường lẫn thương hiệu, người dân Việt Nam hầu hết còn chưa có nhận thức về năng lượng sạch. Những khó khăn, bế tắc dồn dập không khuất phục được trái tim đam mê nghiên cứu của người làm khoa học. Sau những thất bại về kinh doanh, cô và cộng sự dần học được rằng một sản phẩm từ khi nghiên cứu đến lúc hoàn thiện mới chỉ là bước khởi đầu. “Việc tính toán để đưa sản phẩm vào quy trình sản xuất hàng loạt như thế nào? giá thành ra sao để đáp ứng được nhu cầu thị trường, cách xây dựng thương hiệu của sản phẩm?… cũng là những thách thức khi tôi vừa rời “bục giảng” còn mang đầy “ tính ì” của một thời “bao cấp”, thiếu kinh nghiệm và “chưa hình dung được bức tranh tổng thể về kinh doanh”. Nhưng điều may mắn là tôi có truyền nhân, những thế hệ trẻ với đầu óc “năng động” hơn tôi, đảm đương được tất cả việc này.” – Cô Lương cho hay.
Là doanh nhân, vẫn không quên vai trò “trồng người”:
Cô Lương cũng là người xây dựng nên khái niệm doanh nghiệp, doanh nhân mới, áp dụng ngay trong chính SolarBK. Thực tế, không phải ai cũng có đủ khả năng bước chân vào ngành năng lượng sạch tại Việt Nam. Chưa nói đến các khả năng về tài chính hay cơ sở vật chất, yếu tố nhân lực cũng là vấn đề đau đầu cho các doanh nghiệp năng lượng sạch hiện nay. Đó cũng là lý do, SolarBK xây dựng văn hóa doanh nghiệp lấy sự học làm đầu, mỗi quản lý sẽ đồng thời trau dồi nghiệp vụ sư phạm để hướng dẫn, đào tạo cho những nhân viên mới. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ vận hành như một trường đại học thực nghiệm thu nhỏ, với những kiến thức, kỹ năng được trau dồi, cập nhật liên tục.
Cho đến hiện tại, cô Lương vẫn tiếp tục làm việc và tìm kiếm niềm vui trong nghiên cứu khoa học
Những năm tháng xây dựng doanh nghiệp, SolarBK hiểu được ngành giáo dục cần “công thức” thế nào để đáp ứng nhu cầu nhân sự cho ngành năng lượng sạch đang trên đà phát triển như hiện nay. “Đây cũng chính là trăn trở của SolarBK và cũng là một trong những lý do, chúng tôi phát triển văn hóa doanh nghiệp theo môi trường sư phạm tương tác, kích thích học hỏi trải nghiệm để phát triển. Với thành công từ nội lực, chúng tôi muốn nhân rộng mô hình này đến các giảng đường để qua đó, giải quyết tận gốc bài toán về nhân sự.” – Cô Lương cho hay
Chính vì thế, SolarBK đã chủ động đề nghị được thực hiện công trình đầu tư hệ thống điện mặt trời với tổng công suất lên tới 1 MWp (2 giai đoạn) để chào mừng ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Trong đó, giai đoạn 1 với công suất 160 kWp đã hoàn thành vào tháng 9 năm 2017.
Bên cạnh đó, SolarBK còn lắp đặt thêm 17 trụ đèn đường chiếu sáng dùng năng lượng mặt trời tại khuôn viên trường. Đây chính là những công cụ trực quan để các bạn sinh viên hình dung về ngành năng lượng sạch một cách thực tế, dễ hiểu nhất dựa trên những kiến thức cơ bản mà các em đã được giảng dạy tại nhà trường.
Ngoài ra, SolarBK còn đầu tư thêm “Không gian trải nghiệm năng lượng sạch – Solar Experience Space” ngay tại khuôn viên Trường, công trình này sẽ là không gian để các bạn được tự do nghiên cứu, trải nghiệm và học tập về ngành học này.
Solar Experience Space được thiết kế dựa trên cảm hứng từ bề dày phát triển khoa học – kỹ thuật của trường và khát vọng phổ biến năng lượng sạch vào cộng đồng của SolarBK
“Tôi mong rằng các bạn sinh viên sẽ có được nhiều trải nghiệm hơn, đồng thời xây dựng nên thế hệ Bách Khoa “tinh hoa”, vẽ tiếp ước mơ cho hành trình tỏa sáng của ngành năng lượng sạch Việt Nam . Là một trong những người đi trước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tôi muốn được làm một điều gì đó có ý nghĩa cho trường, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập.”
Bên cạnh ý nghĩa chào mừng 60 năm thành lập Đại học Bách Khoa TP.HCM, là “CÁI NÔI” mà từ đó SolarBK đã hình thành và phát triển, dự án trên còn nằm trong kế hoạch “Phát triển hệ thống giáo dục Xanh” của SolarBK. Trước đó, SolarBK đã triển khai nhiều hệ thống điện mặt trời cho các trường đại học, có thể kể đến như Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, đại học Văn Lang, Phân hiệu Đại học Quốc gia TP.HCM tỉnh Bến Tre và Đại học Cần Thơ. Trong thời gian tới, phía doanh nghiệp sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình năng lượng sạch, phổ biến đến tất cả các trường đại học trong cả nước nhằm thực hiện sứ mệnh xây dựng đội ngũ kế thừa, đưa ngành năng lượng sạch Việt Nam cất cánh trên bản đồ Thế giới. “Đây cũng chính là tâm niệm lớn nhất mà tôi và thầy Hùng đã theo đuổi, ngay từ những ngày đầu tôi bắt đầu bước chân vào lĩnh vực đầy mới mẻ này.” – Cô Lương xúc động cho biết.