Hoạt động kinh doanh

Tổng Giám Đốc SolarBK: “R&D là yếu tố cốt lõi để đưa doanh nghiệp phát triển bền vững”

Đăng ngày 22/11/2017

Theo mục tiêu đề ra, điện năng lượng mặt trời Việt Nam sẽ tăng công suất lắp đặt từ mức 7 Megawatt (MW) tính từ giữa năm 2016 lên 850 MW vào năm 2020, 4,000 MW vào năm 2025 và 12,000 GW vào năm 2030. Nhận thấy tiềm năng của thị trường năng lượng sạch Việt Nam, Bloomberg New Energy Finance (BNEF) đã đưa Việt Nam vào phiên thảo luận cho Hội nghị toàn cầu về năng lượng sắp tới, với chủ đề: Năng lượng Việt Nam – Tăng trưởng và cơ hội.

Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng để phát triển năng lượng sạch. Nguồn năng lượng mặt trời phân bố rộng với độ bức xạ trung bình là 4-5 kWh/m2/ngày tại hầu hết các vùng miền Trung và Nam Bộ Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam đã tăng trung bình từ 13,07% trong giai đoạn 2006 – 2010 và khoảng 11% trong 2011-2015, là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng nhu cầu điện hàng đầu Thế giới. Những con số trên đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài có những động thái đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, khi mà chính sách hỗ trợ mua bán giá điện chính thức có hiệu lực từ 26/10/2017. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, tại Việt Nam hiện có khoảng 16 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng xanh được đăng ký, với tổng vốn đăng ký 778 triệu USD.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với đại diện công ty Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK), cũng là đại diện Việt Nam tham gia với tư cách diễn giả, góp mặt trong phiên thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh Tương lai năng lượng, được tổ chức tại Thượng Hải trong ngày 28-29/11/2017.

Xin chào ông, với vai trò doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch và đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh do Bloomberg tổ chức, ông có thể đánh giá chung về sự phát triển của ngành này trong những năm qua?

Cách đây hơn 10 năm, năng lượng sạch vẫn còn là một từ khóa “xa xỉ” với nhiều người. Một phần vì giá điện từ hệ thống năng lượng sạch thời điểm đó khá cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa đặt trọng tâm phát triển ngành khi ngành nhiệt điện, thủy điện cho thấy phù hợp hơn với chi phí đầu tư. Chỉ trong mấy năm gần đây, khi Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến xu hướng phát triển kinh tế bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng, ngành năng lượng sạch mới dần được cởi bỏ mác “nhà giàu” và tiệm cận, phổ biến hơn vào cuộc sống mọi người, nhất là khi giá một tấm pin mặt trời đã trở nên “hợp lý” hơn rất nhiều so với trước đây.


Ông Nguyễn Dương Tuấn sẽ tham gia với vai trò diễn giả tại Hội nghị toàn cầu do Bloomberg tổ chức

Với một thị trường như vậy, vì sao SolarBK có thể phát triển để tái đầu tư vào những mảng quan trọng trong những năm qua?

Thực sự không dễ dàng để duy trì trong thời điểm đó, nhất là chúng tôi đều xuất thân từ khoa học, không quen với khái niệm “tư duy thị trường”. Nhưng đây cũng chính là sự may mắn, đúng hơn là cơ duyên vì nhờ kiến thức chuyên sâu từ nghiên cứu, chúng tôi được Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam tin tưởng giao cho dự án thắp sáng đảo Trường Sa bằng năng lượng sạch vào năm 2008. Từ thành công của dự án này, SolarBK bắt đầu có tiếng nói, xây dựng nguồn lực, vật lực để thực hiện chiến lược phát triển ra nước ngoài rồi sau đó vòng về thị trường trong nước.

Chúng tôi phân ra làm hai mảng kinh doanh chính: điện và nhiệt năng lượng mặt trời. Trong nước, chúng tôi tập trung phát triển thị trường máy nước nóng năng lượng mặt trời (nhiệt). Còn đối với thị trường nước ngoài đã có nhận thức về điện mặt trời, chúng tôi quyết định đem sản phẩm, giải pháp ra Thế giới, chờ cơ hội thị trường trong nước “mở cửa” để đánh vòng về. Cứ vừa làm vừa tự đầu tư như thế cho đến ngày hôm nay, mọi thứ đã “vừa vặn” để SolarBK tận dụng cơ hội “bật lên” cùng thị trường.

 
SolarBK cũng là doanh nghiệp Việt Nam tiên phong xuất khẩu sản phẩm và giải pháp năng lượng sạch ra toàn cầu

Theo ông, yếu tố nào là quan trọng nhất để phát triển trong lĩnh vực năng lượng sạch?

Tôi nghĩ rằng, mỗi doanh nghiệp đều có thể lựa chọn cho mình một thế mạnh để phát triển, và không có công thức chung cho bài toán kinh doanh này. Còn đối với SolarBK, chúng tôi xuất thân từ nền tảng nghiên cứu khoa học nên luôn coi R&D là yếu tố cốt lõi để đưa doanh nghiệp phát triển bền vững. Cho đến hôm nay, khi các doanh nghiệp khác tập trung thương mại hóa để giành thị phần, chúng tôi đã nghiên cứu thành công từ việc gia tăng hiệu suất cho tấm pin đến “công nghệ” hóa việc theo dõi, kiểm soát hệ thống năng lượng sạch. Từ đó, có thể tùy biến linh hoạt các thiết kế cho phù hợp với giải pháp của mỗi khách hàng. Thay vì tìm kiếm cơ hội cạnh tranh từ thị trường sẵn có, SolarBK đã tự tạo thị trường cho riêng mình, từ “khai phá” thị trường trong nước đến “công phá” thị trường nước ngoài.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm đã tham gia vào thị trường năng lượng sạch Việt Nam. Là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu ngành, ông đã có những bước chuẩn bị nào để cạnh tranh trong thời gian tới?

Tôi không xem việc tham gia của nước bạn là cạnh tranh mà chỉ thấy đây là một bức tranh rộng hơn để chúng ta cùng học hỏi và phát triển. Còn nói về sự chuẩn bị, ngay từ thời điểm 2012 khi xác định “Go Global”, chúng tôi đã xây dựng lộ trình dài hơi từ việc đầu tư vào nhà máy, đội ngũ và công nghệ. Dự kiến trong tháng 12 này, tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo công nghệ cao sẽ đi vào hoạt động. Ngoài ra, trong 2 năm qua, chúng tôi đã nghiên cứu đưa nền tảng IoT (Internet kết nối vạn vật) vào việc giám sát năng lượng, tạo ra phần mềm giám sát tự động SSOCTM. Nói về nhân lực, chúng tôi xây dựng kế hoạch “Giáo dục Xanh”, tức là hợp tác với trường đưa hệ thống điện mặt trời vào các giảng đường đại học, đồng thời xây dựng không gian trải nghiệm năng lượng sạch cho các bạn trẻ, tiến tới phối hợp với các trường mở ngành này để đào tạo đội ngũ nhân sự trong tương lai.

Xin cám ơn ông!

SolarBK được thành lập từ năm 2006, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu chuyên nghiên cứu, phát triển và cung cấp các sản phẩm và giải pháp về năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Các sản phẩm do SolarBK cung cấp đều đạt tiêu chuẩn, chứng nhận Quốc tế để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước khác, như: Mỹ, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, và các nước khu vực Châu Âu.

Trước đó, khi tìm hiểu về thị trường khu vực Đông Nam Á, đại diện Bloomberg cũng đã từng đến thăm văn phòng và nhà máy của SolarBK. Đơn vị này đã nhận xét rằng: SolarBK chính là công ty phát triển năng lượng sạch mang “chất” của Việt Nam trong cái “tầm” của Thế giới.
Từ khóa liên quan: