Hoạt động kinh doanh

Thành công nhỏ nuôi giấc mơ lớn

Đăng ngày 04/01/2014

Kể lại câu chuyện thành công của dự án năng lượng sạch cho quần đảo Trường Sa, ông Nguyễn Dương Tuấn – tổng giám đốc công ty đầu tư và phát triển năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) cho biết những khó khăn đã giúp làm nên bước ngoặt lớn đối với SolarBK.

Năm 2009, bộ tư lệnh Hải quân tìm đối tác để giao dự án trọng điểm quốc gia về năng lượng sạch và chiếu sáng cho quần đảo Trường Sa, tên của người lãnh đạo công ty đã được xướng lên nhờ bề dày nghiên cứu năng lượng gió trong suốt hơn 40 năm (nhà khoa học Dương Thị Thanh Lương – một biểu tượng về năng lượng gió Việt Nam – PV). “Nếu không tìm ra “nhân vật đằng sau” thì đội ngũ nghiên cứu non trẻ chúng tôi khó mà được chọn”, ông Tuấn nói.

Tôi luyện từ dự án

Đó là dự án năng lượng sạch đầu tiên có quy mô lớn nhất đến nay, triển khai trải dài trên 48 đảo và nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa với 5.700 tấm pin năng lượng, 120 quạt gió, hơn 4.000 bình ắcquy và gần 1.000 bộ đèn LED chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời. Ước tính mỗi ngày hệ thống cung cấp 5,2mWh điện, tiết kiệm hơn 620 lít dầu diesel và giảm phát thải 6 tấn CO2. “Khích lệ hơn nữa là dự án đã được trao giải thưởng Năng lượng toàn cầu 2012 dành cho giải pháp giúp bảo tồn tài nguyên và phát triển xanh”, ông Tuấn cho biết.

Thời điểm khởi đầu, nhân viên SolarBK chưa một lần ra Trường Sa, nên không mường tượng hết khó khăn, cũng chưa đủ tin tưởng để được giao thông tin bản đồ, vì thế những thiết kế ban đầu có khi bố trí nhầm trên cả lôcốt! Dự án còn đòi hỏi tuân thủ các yếu tố về an ninh quân sự, mỹ quan, tĩnh không… Trong cả năm ròng, mỗi đội khảo sát 45 ngày luân phiên đến các đảo tìm vị trí đặt tấm pin. Việc lựa chọn thiết bị cũng không dễ dàng ở môi trường biển đảo có độ mặn rất lớn, cần công nghệ chống ăn mòn mới nhất, cải tiến liên tục và bảo trì dài hạn. Ông Tuấn kể: “Các kỹ sư chúng tôi được rèn luyện như những người lính đảo đã dày dặn hơn rất nhiều, so với những gì đã trải qua nhiều năm trên thị trường”.

Cuộc hành trình từ bỏ… “bán hàng kiêu”

Tiền thân SolarBK là trung tâm nghiên cứu năng lượng nhiệt đại học Bách Khoa TP.HCM. Thời đó, trường có tiếng “bán hàng kiêu”, sản phẩm nghiên cứu chưa hoàn thiện nhưng khách hàng muốn mua phải đến nơi trả tiền mới cho người đến khảo sát. Dù xác định làm thương mại là nối dài những thành quả nghiên cứu trước đó, nhưng chúng tôi thấy như bị “quăng” ra thị trường. Dân kỹ thuật có tư duy logic tốt nhưng không biết marketing, sổ sách tài chính kế toán, cách thức xây dựng công ty… “Mỗi kỹ sư bắt đầu học những thứ mình thiếu, và xác định lấy kỹ thuật làm khác biệt, tập trung vào tư vấn giải pháp sản xuất điện năng từ năng lượng sạch và các thiết kế đặc thù, chứ nếu chỉ cung ứng sản phẩm thì ai cũng làm được”.

Ông Tuấn nhớ lại, năm 2005 thị trường còn ít người biết khái niệm tiết kiệm năng lượng, chưa nói năng lượng gió hay mặt trời. Nếu bây giờ gặp khách hàng một lần có thể bán được hàng, thời ấy thuyết phục 5 – 10 lần vẫn trở về tay không. Việc tồn tại trong thị trường mới mẻ như vậy rất khó khăn để có được thị phần lớn về máy nước nóng năng lượng mặt trời hiện nay. Nhưng kỳ vọng của SolarBK lớn hơn ở mảng năng lượng tái tạo, dù hiện nay còn rất khó khăn. “Nếu mình chuẩn bị sớm, khi cơ hội đến sẽ dễ thành công; nhưng chỉ tâm huyết thôi là chưa đủ cơ chế cho thị trường năng lượng chưa rõ ràng, nên vừa làm vừa chờ cơ hội, tạo ra phân khúc để “bơi” cho cuộc chơi dài hơn”, ông Tuấn nói thêm, “Chúng tôi như những cầu nối thực thi ý tưởng thương mại và nhờ vào bệ đỡ là ban cố vấn điều hành gồm các cựu giáo sư và nhà nghiên cứu dày kinh nghiệm, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đo đạc và đánh giá tiềm năng gió Việt Nam”.

Ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch nhiều tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ, nên SolarBK chọn lĩnh vực họ có thể làm giỏi nhất là năng lượng gió và mặt trời. Những dự án khảo sát nghiên cứu hợp tác với đối tác nước ngoài cũng là cách chọn triển khai và chuyển giao công nghệ, học hỏi và thử sức để tìm kiếm thành công trong ngành năng lượng sạch đang thách thức cả thế giới. “Một thị trường năng lượng chắc chắn sẽ hình thành, vấn đề là sớm hay muộn và năng lực của mình đến đâu. Đội ngũ kỹ sư trẻ của chúng tôi cũng tự hỏi rằng: mình đề ra một giấc mơ lớn đi bao giờ tới đích. Nhưng giấc mơ lớn này chúng tôi đang bắt đầu từ những thành công rất nhỏ”, ông Tuấn chia sẻ.
 
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị, http://sgtt.vn/)
Từ khóa liên quan: