SOLARBK – TỪ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC ĐẾN GIẢI PHÁP NĂNG LƯỢNG SẠCH TOÀN DIỆN Hơn 40 năm nền tảng về nghiên cứu khoa học đã giúp Công ty Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) có những bước tiến vững chắc trong ngành năng lượng sạch tại Việt Nam. Trong suốt quá trình hoạt động và phát triển, SolarBK cũng đã bảo vệ thành công nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước được hội đồng đánh giá cao, đem lại nhiều giá trị thiết thực cho xã hội.
Trong phạm vi chuỗi bài viết lần này, SolarBK sẽ chia sẻ về các đề tài nghiên cứu khoa học đã được SolarBK bảo vệ thành công với tính ứng dụng cao. Nổi bật trong số đó, đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý nước mặn, nước lợ thành nước sinh hoạt di động sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời” đem lại cho SolarBK sự tự hào hơn cả về mặt khoa học lẫn ý nghĩa xã hội.
Không chỉ riêng năng lượng, nguồn nước ngọt tại các đảo, cù lao, cồn cát cũng đang là một trong những vấn đề đáng lo ngại của những cộng đồng sinh sống tại đây. Thiếu nước ngọt ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, cụ thể là việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người như sinh hoạt, ăn uống tắm rửa. Đứng trước thực tế đó, SolarBK phối hợp cùng Trung tâm phát triển năng lượng EDEC đã tập trung nghiên cứu và bảo vệ thành công đề tài có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý nước mặn, nước lợ thành nước sinh hoạt di động sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời”
Kết quả thực nghiệm cho thấy, hệ thống có thể xử lý nước có nồng độ muối của nước biển, khoảng 3,1% đến 3,3%, cho ra nước sạch có tổng chất rắn hòa tan (TDS) thấp hơn 1000 ppm, thỏa mãn nồng độ theo tiêu chuẩn về nước sinh hoạt, từ đó thu được nước sạch khoảng 200-300 lít/giờ với suất tiêu hao năng lượng khoảng 4 kWh/m3.
Để làm được điều này, giải pháp được xây dựng bao gồm một số loại máy chính như máy lọc nước mặn, nước lợ thành nước sinh hoạt sử dụng nguồn năng lượng gió/mặt trời, năng suất lọc: 200-250 lít/giờ, bộ điều khiển trung tâm, hệ thống khung cơ khí cơ động, quy trình công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt sử dụng năng lượng sạch, quy trình công nghệ sản xuất điện từ gió, mặt trời và khả năng tích điện, v.v…
Nghiên cứu đã chỉ ra được tính ứng dụng mạnh mẽ khi hệ thống lọc nước mặn, nước lợ này không cần nguồn cung cấp năng lượng nên đạt được tính linh động cao, phù hợp cho các khu vực khó khăn về nguồn năng lượng như biển đảo. Thứ hai, hệ thống cơ khí được thiết kế linh động, giúp quá trình vận chuyển dễ dàng ở các điều kiện giao thông khó khăn. Ngoài ra, hệ thống còn được trang bị hệ điều khiển trung tâm có khả năng giám sát thu thập dữ liệu từ xa, tiết kiệm thời gian cho người sử dụng.
Về chất lượng, toàn bộ hệ thống đã được nghiên cứu sử dụng vật liệu chống ăn mòn để thích ứng với môi trường khắc nghiệt của biển đảo, đảm bảo độ bền theo thời gian. Hệ thống cũng đã được kiểm nghiệm thực tế tại Trường Sa, hoàn toàn đạt yêu cầu với công suất trung bình 250 lít nước sạch/giờ và tính an toàn trong điều kiện thời tiết tại đây. Qua tính toán và đo đạc thực tế cho thấy, hệ thống này vẫn đảm bảo tiết kiệm chi phí lên đến 40% sau 5 năm sử dụng.
Sau hơn 2 năm tiến hành nghiên cứu, đề tài đã được bảo vệ xuất sắc trước hội đồng khoa học Cấp Nhà nước trong năm 2015 với những lợi ích thiết thực đem lại về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường. Từ nghiên cứu, SolarBK đã đem đến giải pháp lọc nước biển bằng năng lượng sạch trên đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa – Việt Nam). Mỗi ngày, hệ thống có thể cung cấp khoảng 18.000 lít nước sạch. Dự án đã góp phần chủ động nguồn nước ngọt, nâng cao chất lượng đời sống cho bộ đội chiến sĩ trên đảo.
Với tính ứng dụng cao và giải pháp sáng tạo, tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo từ thiên nhiên, dự án đã vinh dự nhận “Giải thưởng Năng Lượng Toàn Cầu” trong năm 2016 vừa qua, củng cố thêm niềm tin cho đội ngũ SolarBK trên hành trình “Mang năng lượng sạch vào cuộc sống.”
Trong bài viết tiếp theo, SolarBK sẽ giới thiệu đến các bạn một đề tài nghiên cứu khoa học nữa đã được ứng dụng vào thực tế và giải quyết được bài toán chi phí năng lượng cho nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay, nhận được những phản hồi tích cực.
Tìm hiểu thêm thông tin về đề tài tại Tạp chí Khoa học và Công nghệ theo link https://goo.gl/6IDtYa
Bộ phận truyền thông SolarBK.