Trở về từ đất liền đón mừng đại lễ 30/4 vừa qua, đại diện Cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh Hải quân chính thức thông tin đã đưa vào nghiệm thu dự án thí điểm lọc nước biển thành nước sạch cho quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK. Dự án lọc nước biển thành nước sạch đầu tiên được thí điểm trên đảo Song Tử Tây với 3 mô hình cho đảo nổi, đảo chìm & nhà giàn và mô hình cho trường hợp khẩn cấp. Dự án này sử dụng công nghệ thẩm thấu ngược RO, công suất mỗi ngày cho ra 18.000 lít đủ cung cấp nguồn nước cho hầu hết nhu cầu về nước ngọt cho quân và dân trên đảo sử dụng. Theo như chia sẻ của đại diện Cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh: “Trước đây, nhu cầu nước sử dụng trên đảo phải chở từ trong đất liền ra hoặc phụ thuộc vào lượng nước mưa dự trữ vào các bồn và hồ chứa trên đảo. Đặc biệt, vào mùa khô đang thiếu nguồn nước ngọt sử dụng rất trầm trọng, mỗi chiến sĩ được cấp 5 lít nước cho sinh hoạt mỗi ngày (bao gồm ăn uống và tắm giặt). Vì vậy nhu cầu nước sạch đảm bảo cho quân dân trên đảo sinh hoạt, học tập và chiến đấu là cần thiết và cấp bách. Với dự án đã hoàn thành và đang hoạt động giúp đáp ứng nhu cầu nước sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho quân dân trên đảo sử dụng. Nguồn nước sạch được tạo ra chủ động, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết và vận chuyển nước từ trong đất liền ra đảo.” Cũng theo chia sẻ, nguồn nước sạch sau khi được lọc còn sử dụng để cung cấp nước cho các tàu bè và ngư dân đánh bắt cá trên quẩn đảo Trường Sa. Đồng thời, nguồn nước sạch tạo ra từ hệ thống LNB thấm thấu vào đất tạo nguồn nước ngầm trên đảo, giúp cho cây cối trên đảo phát triển xanh tốt, tạo môi trường xanh sạch và đẹp trên đảo. Nói về khó khăn trong việc lắp đặt hệ thống lọc nước biển, theo đơn vị thực hiện, SolarBK - công ty CP Đầu tư & Phát triển Năng lượng Mặt trời Bách Khoa: “Do điều kiện khắc nghiệt của đảo - nắng gắt, gió lớn & nguồn nước nhiễm mặn nồng độ cao - nên kỹ thuật xây dựng hệ thống, kỹ thuật vận hành, chất lượng thiết bị, dịch vụ bảo quản thiết bị… đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn so với thông thường. Như các thiết bị lọc nước biển và năng lượng sạch thuộc công nghệ cao, dễ vỡ nên phải đóng gói và vận chuyển cẩn thận tránh làm hư hỏng. Việc lắp đặt thiết bị trên đảo phần lớn dùng sức người là chính, công cụ lắp đặt thô sơ, tuy nhiên vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lắp đặt cũng như vận hàng bảo dưỡng thiết bị. Hơn thế, điều kiện môi trường khó khăn ở biển đảo đòi hỏi nhân viên vận hành phải có sức khoẻ tốt, kiên trì trước những khó khăn để hoàn thành dự án.”
Hệ thống lọc nước biển sử dụng năng lượng sạch trên đảo. Cả hai dự án
đều được triển khai thực hiện bởi SolarBK với các sản phẩm - công nghệ dựa trên R&D Việt Nam. Được biết, dự án thí điểm lọc nước biển thành nước sạch tại Trường Sa bắt đầu triển khai từ tháng 1/2014, thời gian đưa vào nghiệm thu & khánh thành 23/4/2015 và theo dự kiến, thời gian hoàn thành 09/2015. Dự án do Cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh Hải quân chủ trì với nguồn vốn tài trợ từ Tổng cục Dầu khí Việt Nam, do Công ty CP Đầu Tư & Phát Triển Năng Lượng Mặt Trời Bách Khoa (SolarBK) thực hiện.
Dự án triển khai thí điểm trên đảo Song Tử Tây, được nghiên cứu, thiết kế, sử dụng kết hợp các nguồn năng lượng sạch (gió, mặt trời và nước) tương hỗ chặt chẽ lẫn nhau. Hệ thống lọc sử dụng công nghệ RO (thẩm thấu ngược) đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Hệ thống thí điểm gồm có: - 1 mô hình cho đảo nổi, gồm có: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, 2 máy lọc nước biển công suất lớn khoảng 250 lít/giờ và 1 máy lọc nước biển công suất 236 lít/giờ;
- 1 mô hình cho đảo chìm và nhà giàn, gồm có: nguồn điện năng lượng mặt trời, 1 máy lọc nước biển công suất tầm trung 70 lít/giờ;
- 1 mô hình cho trường hợp khẩn cấp: 2 thiết bị lọc lắc tay.
Hiện tại, năng suất năng lượng mặt trời hoạt động cho hệ thống lọc nước biển (LNB) trung bình 196kwh/ngày, giúp hệ thống cung cấp 18.000 lít nước ngọt/ngày, mức tiêu hao điện năng cho hệ thống trung bình 5kwh/m3 nước.