Đăng ngày 14/07/2021
Ban quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất TP.HCM tính toán, khi đạt mục tiêu công suất 1.000 MWp điện mặt trời áp mái cho hơn 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2020-2024, sản lượng điện tiêu thụ sẽ giảm được 10-15% và giảm 23% triệu tấn CO2. Ngoài ra, theo một nghiên cứu của Đại học California - San Diego, các tấm pin mặt trời còn giúp giảm sự hấp thụ nhiệt xuống 38%.
Khảo sát lắp đặt điện mặt trời tại TP.HCM. Ảnh: TL. |
Nghĩa là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thể làm mát tòa nhà và góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng đô thị - những tiêu chí quan trọng để doanh nghiệp đạt chứng nhận xanh. Khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính, chứng nhận xanh là lợi thế cạnh tranh. Thậm chí, một số ngành như gỗ, nội thất, vật liệu xây dựng khi bán hàng sang Nhật, Mỹ, châu Âu bắt buộc phải có chứng nhận xanh.
Đây có lẽ là lý do không riêng TP.HCM mà nhiều tỉnh thành có khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Long An (miền Nam), Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam... (miền Bắc) đều muốn đầu tư điện mặt trời.
Nhiều vướng mắc
Tuy nhiên, như tỉnh Đồng Nai dù có 32 khu công nghiệp đang hoạt động và 36 cụm công nghiệp nhưng theo Ban quản lý Các khu công nghiệp - khu chế xuất tỉnh Đồng Nai (DIZA) mới chỉ có một số khu công nghiệp có thể thu hút được dự án điện mặt trời mái nhà. Đó là Khu Công nghiệp An Phước, Khu Công nghiệp Nhơn Trạch III - giai đoạn I, Khu Công nghiệp Hố Nai - giai đoạn 2 và Khu Công nghiệp Ông Kèo.
Trở ngại trước hết đến từ vướng mắc về luật. Năm ngoái, tỉnh Đồng Nai từng kiến nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường không thực hiện tác động đánh giá môi trường với ngành sản xuất điện mặt trời áp mái ở một số khu công nghiệp trong địa bàn. Nhưng phía Bộ không đồng ý vì cho rằng không có cơ sở áp dụng việc miễn hoặc không thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Khó khăn khác là tình trạng bùng nổ điện mặt trời năm 2019-2020 đã gây nên quá tải đường truyền. Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay năm 2021, khoảng 1,3 tỉ kWh điện năng lượng tái tạo sẽ bị cắt giảm, trong đó hơn 500 triệu kWh điện mặt trời.
Các nhà máy điện mặt trời đã không được khai thác hết công suất mà bị cắt luân phiên. Đơn cử, nhà máy của Solar Electric Việt Nam (SEV) tại Bình Dương, Long An có ngày phải cắt giảm 100% công suất. Kết quả là chỉ trong 3 ngày cắt giảm, doanh thu tháng 2.2021 của nhà máy đã giảm 10%. Điều này cũng đang diễn ra ở nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp phía Nam. Ông Lưu Minh Tiến, Giám đốc SEV, tính toán, nếu giảm công suất 30% trong thời gian liên tục thì cứ 3 năm, chủ đầu tư sẽ hụt doanh thu 1 năm. Thời gian thu hồi vốn của dự án thay vì từ 6 năm sẽ kéo dài lên 8 năm.
Những nhà quản lý các khu công nghiệp cũng hồi hộp vì chưa rõ chính sách giá mới cho điện mặt trời áp mái, trong khi đây là cơ sở để tính toán hiệu quả đầu tư. Trước đây, giá điện hỗ trợ cố định (giá FIT) là yếu tố tạo hấp dẫn cho dự án điện mặt trời và cũng là lý do nhiều nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này. Bây giờ, theo Bộ Công Thương, giá điện mặt trời sẽ tùy theo dự án đấu thầu.
Giải pháp cho điện mặt trời ở khu công nghiệp
Những thay đổi này đã khiến nhiều nhà đầu tư điện mặt trời “dở khóc dở cười”. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, đầu tư điện mặt trời áp mái ít ảnh hưởng đến quy hoạch hệ thống nguồn điện. Dù điện mặt trời áp mái đạt công suất lắp gần 9.731 MWp, phát điện lên lưới gần 1.187 triệu kWh (theo số liệu của EVN) nhưng điện mặt trời vẫn là nguồn phân tán, chỉ đấu nối với hệ thống điện từ 35 kV trở xuống. Vì thế, trong thời gian tới, theo Bộ Công Thương, điện mặt trời mái nhà vẫn được khuyến khích phát triển nhưng sẽ dựa trên nhu cầu điện và giá thành sản xuất.
Một cách khác để giảm rủi ro là dùng giải pháp ESCO. Đây là mô hình kết hợp 3 bên cùng đầu tư điện mặt trời là doanh nghiệp/ban quản lý khu công nghiệp (mái nhà), công ty năng lượng (chủ đầu tư) và ngân hàng/quỹ đầu tư (vốn). Phía công ty/ban quản lý khu công nghiệp không phải bỏ vốn đầu tư mà mua được điện giá rẻ hơn, sử dụng nguồn điện ổn định, sạch, mát, sở hữu được hệ thống điện mặt trời sau hạn hợp đồng và đạt các chứng chỉ xanh (LEED, Lotus, Edge, Green Mark). Trong một số hợp tác, chủ đầu tư còn chia sẻ sở hữu CO2.
SolarBK, chẳng hạn, đã chia sẻ sở hữu CO2 cho Tong Hong Tannery Việt Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu) trong dự án điện mặt trời hoàn thành năm 2019, với công suất 460 kWp. Tổng Giám đốc Chen Chun Chi cho biết, dự án đã giúp cho kế hoạch giảm thải lượng carbon của nhà máy tiến một bước vững chắc và Tong Hong Tannery Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng các dự án năng lượng tái tạo này.
Thông thường, để một dự án điện mặt trời đầu tư theo mô hình ESCO đạt hiệu quả, cần triển khai trên diện tích hơn 5.000 m2, với công suất lắp đặt từ 500 kWp trở lên. Đặc biệt, trong hợp tác, năng lực của chủ đầu tư (am hiểu đặc tính kỹ thuật, kinh nghiệm trong ngành) và khả năng thực hiện hồ sơ (giấy kiểm tra an toàn chất lượng điện...) rất quan trọng. Bởi công ty điện lực địa phương (thuộc EVN) sẽ căn cứ vào đây để tiến hành nghiệm thu.
Tuy nhiên, muốn hợp tác không “giữa đường đứt gánh”, theo bà Hoàng Thị Uyên, Giám đốc Hoạt động SolarESCO, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải sử dụng điện ở mức cân bằng (80-90% công suất). Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư như SolarBK, DAT, Vũ Phong, TTC Energy... phải chọn lọc đối tác bắt tay. Đó phải là doanh nghiệp sử dụng điện ổn định/cân bằng, có tư duy xanh, hướng đến phát triển bền vững và cùng đồng hành lâu dài.
Các chủ đầu tư hiện có thêm động lực khi Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về việc thí điểm mua bán điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trực tiếp với khách hàng (sản xuất công nghiệp, điện áp từ 22 kV trở lên), không thông qua EVN, tạo thế cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường điện Việt Nam.
Nguồn: nhipcaudautu.vn
Vui lòng cho biết bạn là ai